Rà soát, phân tích đánh giá chất lượng nguồn nhân lực
Rà soát, phân tích đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ở các cơ quan, DN, đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL. Phân tích làm rõ cơ cấu về độ tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn, ngành nghề đào tạo, sự phù hợp ngành nghề đào tạo với công việc đang đảm nhiệm, tỷ trọng lao động trực tiếp, gián tiếp… Trên cơ sở đó xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho từng đơn vị, từng địa phương trong cả nước.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực của ngành thủy lợi là cơ sở để quản trị nguồn nhân lực trong cả ngắn hạn và dài hạn. Và là cơ sở giúp các cơ quan có thẩm quyền phát hiện nhân tài, có kế hoạch, chính sách đào tạo, phát triển nhân tài thông qua cơ chế giao việc. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có được đầy đủ thông tin về "tài sản con người" của ngành để lựa chọn các ứng viên tiềm năng, chủ động trong việc sắp xếp, thay đổi nhân sự và không rơi vào tình trạng bị động như hiện nay do thiếu hụt về nguồn vốn nhân lực.
Xây dựng phương án sắp xếp bố trí lại nguồn nhân lực
Rà soát chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức đơn vị, xây dựng bảng mô tả công việc của từng vị trí, trên cơ sở đó đặt ra yêu cầu về năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng vị trí. Theo phương châm chọn đúng người, giao đúng việc để từng người tự biết mình đang ở đâu và cần làm gì để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Xây dựng môi trường làm việc cởi mở để mọi người phát huy hết khả năng, biết khuyến khích đúng cách và biết chấp nhận thất bại.
Chấn chỉnh lại công tác tuyển dụng ở các cơ quan, DN, nhất thiết phải tuyển dụng theo đúng vị trí làm việc, tạo môi trường bình đẳng, công bằng trong thi tuyển hoặc xét tuyển.
Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL.
Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi VN và Chiến lược phát triển nhân lực VN thời kỳ 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 và Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Mỗi một cơ quan, tổ chức, DN, địa phương cần phải xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực riêng cho đơn vị và có giải pháp thu hút, hấp dẫn, động viên, đánh giá, đào tạo và phát triển cho phù hợp. Chiến lược vừa chú trọng đào tạo, đào tạo lại, tập huấn và vừa kết hợp với hình thức tự đào tạo để người lao động thường xuyên liên tục tự nâng cao năng lực của mình. Bên cạnh các kỹ năng kỹ thuật, cần chú trọng phát triển các năng lực của người lao động hiện đại như công nghệ tự động hóa, thông tin, truyền thông.
Xây dựng và phát triển thị trường lao động về lĩnh vực thủy lợi, có giải pháp phân bố lại nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của từng vùng, miền.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ tiêu chí đánh giá năng lực là cơ sở để từng cơ quan, tổ chức, DN đánh giá chất lượng nguồn nhân lực với các tiêu chí có thể định lượng và không định lượng. Các tiêu chí có thể định lượng như là bằng cấp, chứng chỉ đào tạo, các kỹ năng hiểu biết về nhiệm vụ được giao, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn quy chuẩn, quy trình vận hành, am hiểu về công nghệ thông tin, ngoại ngữ… Các tiêu chí mang tính định tính như tính năng động sáng tạo, nhạy bén với sự thay đổi, khả năng xử lý tình huống khẩn cấp, say mê nhiệt tình trong công việc…
Tăng kinh phí cho công tác đào tạo, tạo điều kiện để người lao động có cơ hội đào tạo nâng cao năng lực.
Nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác CTTL có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTTL hiện có. Vì vậy đào tạo, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các đơn vị, tổ chức làm nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị trong giai đoạn hiện nay. |
Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn để cập nhật kiến thức cho người lao động nhằm trau dồi, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời cần quan tâm tới việc tuyên truyền, khuyến khích, động viên người lao động có ý thức trong việc học tập, nâng cao trình độ, tay nghề. Học tập nâng cao năng lực vừa giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm cho chính mình, và góp phần khắc phục được tình trạng yếu kém về chất lượng nguồn lao động của đơn vị ảnh hưởng đến kết quả SX. Hình thành nhóm chuyên gia đào tạo, tập huấn tại DN.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Gắn kết các DN, cơ quan, tổ chức quản lý, khai thác CTTL với các cơ sở đào tạo. Có như vậy nguồn nhân lực được đào tạo mới đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn của SX và quản lý. Sự gắn bó này, là cơ sở để xây dựng, cải tiến nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực tiễn. Phát triển các ngành đào tạo hợp lý cả về cơ cấu giữa cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề.
Đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận được các kiến thức mới, công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ. Xây dựng các chương trình đào tạo với các hình thức khác nhau: đào tạo lại, đào tạo nâng cao sau đại học, đào tạo theo chuyên đề, đào tạo cho cộng đồng nhất là số cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt.
Đổi mới hoàn thiện cơ chế trả lương, trả thưởng phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài.
Với cơ chế quản lý bao cấp cùng với chính sách trả lương trả thưởng theo hình thức “cào bằng” thì không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, cần nhanh chóng đổi mới chính sách tiền lương, tiền thưởng. Lấy kết quả làm cơ sở để trả lương, lấy thành tích làm căn cứ để trả thưởng. Như vậy mới tạo môi trường và động lực để cán bộ, nhân viên tự đào tạo nâng cao năng lực của chính mình, phát huy tính năng động sáng tạo trong công việc. Thông qua kết quả hoạt động sàng lọc, bình tuyển được những cán bộ, công nhân tốt, người quản lý giỏi.
Công tác thủy lợi đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức như nguồn nước ngày càng khan hiếm do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng; thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngày càng khốc liệt nhất là ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên; nguồn vốn nhà nước không đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng CTTL; nhiều CTTL chưa phát huy hết hiệu quả và hiệu suất theo thiết kế… Trong khi nhu cầu sử dụng nước phục vụ SX ngày càng lớn, đặc biệt thủy lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới và CNH, HĐH đất nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTTL hiện có là quyết sách quan trọng, phù hợp nhất hiện nay theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
PGS.TS Đoàn Thế Lợi
(Viện trưởng Viện Kinh tế & quản lý thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi VN)
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
|