Sáng 18/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai cấp bách công tác phòng chống hạn hán, nhiễm mặn để đảm bảo nguồn nước tưới cho trên 42.500ha lúa và hàng chục nghìn hecta hoa màu trong vụ sản xuất Đông-Xuân 2014.
Theo ông Võ Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, để đối phó có hiệu quả với tình trạng khô hạn và nhiễm mặn có nguy cơ trên diện rộng, ngay từ cuối năm 2013, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các nhà máy thủy điện A Vương, Đắk Mi4 và Sông Tranh 2 thống nhất lịch vận hành thủy điện phù hợp với nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du.
Do đó, từ đầu vụ sản xuất Đông-Xuân 2013-2014 đến đầu tháng 3/2014, tình hình nguồn nước trên các con sông lớn như sông Vu Gia và sông Thu Bồn cơ bản đảm bảo cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước diễn biến của thời tiết ngày càng bất lợi, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng loạt các biện pháp công trình và phi công trình để chống hạn và ngăn mặn xâm nhập một cách hiệu quả nhất.
Đối với biện pháp phi công trình, tất cả các địa phương trong huyện đều tuyên truyền và hướng dẫn cho nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả nhất theo phương pháp tưới luân phiên “khô ướt xen kẽ;” vận động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, tận dụng tối đa các nguồn nước từ các ao hồ, sông suối để chống hạn.
Đối với biện pháp công trình, tỉnh đã chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi phối hợp với các địa phương tập trung thi công một số công trình cơ bản như: nạo vét kênh dẫn và bể hút các trạm bơm điện, nạo vét kênh mương thông thoáng để dẫn nước nhanh nhất và giảm thiểu tổn thất nước trên kênh; gia cố sửa chữa hàng trăm đập dâng, đập bổi và đập thời vụ; đắp đập ngăn mặn trên các con sông lớn đồng thời lắp đặt bổ sung hàng trăm máy bơm để bổ sung nguồn nước tưới.
Tỉnh cũng yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Nam có kế hoạch ưu tiên nguồn điện cho các trạm bơm trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn hoạt động, nhất là trong các đợt hồ thủy điện xả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho rằng: Bên cạnh việc triển khai cấp bách hàng loạt giải pháp nhằm đối phó với hạn hán và nhiễm mặn có khả năng xảy ra trên diện rộng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chức năng phải cảnh báo kịp thời và chính xác về tình trạng khô hạn cũng như nhiễm mặn để có giải pháp đối phó thích hợp.
Về lâu dài, để đảm bảo khả năng chống hạn, ngăn mặn cho cả năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu tất cả các địa phương phải hoàn thiện phương án tài chính và phương án phòng chống hạn hán, nhiễm mặn trước ngày 25/3 để tỉnh chủ động trong việc bố trí nguồn vốn phục vụ công tác chống hạn và ngăn mặn hiệu quả.
Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa nước, phục vụ nước tưới cho gần 22.000 ha/vụ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến nay, lượng mưa phổ biến trên toàn tỉnh ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, khiến lượng nước ở tất cả các hồ chứa đều thấp hơn các năm trước, riêng các hồ có dung tích lớn như Phú Ninh, Đông Tiễn, Thạch Bàn, Khe Tân có mực nước thấp hơn năm trước từ 1,3 đến 1,5m.
Theo thống kê của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Nam, tỷ trọng mưa từ tháng 12/2013 đến tháng 2/2014 thiếu hụt từ 65 đến 80% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy trên các sông dao động nhỏ và hạ thấp dần khiến tình trạng nước mặn ngày càng ăn sâu vào vùng hạ lưu các sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Thạch Bàn.
Nếu không có lũ tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng Bảy và tháng Tám sẽ có gần 11.000ha lúa và hoa màu của các địa phương trong tỉnh phải đối mặt với khô hạn./