Tuỳ bút của HÀ QUANG
Tôi còn nhớ, từ thuở còn quàng khăn đỏ cắp sách đến trường tôi đã được nghe đến hai tiếng“ Thuỷ lợi”, đã được trực tiếp đi làm thuỷ lợi. Quê tôi, một vùng đồng chiêm bên dòng sông Kẻ Sặt thơ mộng, bao đời rồi vẫn chịu cảnh “chiêm khê mùathối”. Chúng tôi lớn lên với ruộng đồng, theo cha anh đi gánh đất, đào mương khi tay còn chưa cầm vững cái mai, chân chưa kịp bám chắc vào đất, nhưng trong lòng đã rộn lên bài ca về đất và nước! Ôi cái ngày xưa ấy, cái ngày của phong trào đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải ở quê tôi sao mà hồ hởi, quyết tâm, sao mà hăng say đến thế! Lũ trẻ con chúng tôi chỉ có khoai luộc, cơm nắm, rau lang chấm muối vừng mà cũng thi nhau ra công trường Cầu Sộp vác đất, gánh gạch xây cống, đào kênh với các” cô, chú 202” dưới trời nắng chang chang. Nước về ruộng đồng, reo vui bên từng gốc lúa, miên man chảy trong giấc mơ tuổi thơ tôi theo cánh cò bay xa…Tôi xa quê, ra đi trong đoàn quân “ những người lính chân đất”mà lòng rộn rã, phơi phới niềm tin vào công cuộc trị thuỷ, chinh phục thiên nhiên của Ngành thuỷ lợi nước nhà. Dấn thân vào con đường “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” đầy gian nan và thử thách, tôi càng hiểu hơn giá trị của nước - nguồn tài nguyên quan trọng nhất của loài người và sinh vật trên trái đất. Rõ ràng, nếu không có nước sẽ không có sự sống. Nước như máu của con người vậy! May mắn thay, đất nước ta có nguồn tài nguyên nước kh¸ phong phú. Với diện tích tự nhiên hơn 331 nghìn ki lô mét vuông, tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm của nước ta khoảng 847 tỷ m3 nước (đứng thứ 12 trên thế giới), trong đó tổng lượng dòng chảy bªn ngoài vào là 507 tỷ m3 (chiếm khoảng 60%) và dòng chảy nội địa là 340 tỷ m3. Tuy vậy, do phân bố mưa và dòng chảy không đều theo không gian, thời gian, mùa mưa lại trùng với mùa bão nên từ xa xưa đất nước ta đã phải đối mặt với bão lụt, úng, hạn.Với tổng lượng dòng chảy năm 847 tỷ m3 nước, được cung cấp bởi 13 hệ thống sông chính, phân bố khá đều về mặt địa lý. Từ Bắc vào Nam, có thể kể đến các hệ thống sông như: Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, Vu Gia – Thu Bồn, sông Sê San, Sê rê Pôk, sông Ba, Đồng Nai và Cửu Long ( Mê Công ). Ai đã từng đi qua Cửu Long Giang ở Nam bộ hay Hồng Hà ở Bắc bộ mới thấy hÕt bộ mặt “hoành tráng “của nó…Ấy vậy mà nhiều năm qua, hạn hán vẫn hoành hành dữ dội, vấn nạn thiếu nước luôn là một thách thức lớn. Tôi cứ day dứt, luôn tự hỏi: Phải chăng đó là do chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu để sử dụng, quản lý nước tốt? Bởi vậy, việc quản lý hiệu quả để phát triển bền vững tài nguyên nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý, các nhà khoa học ở tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam ta. Ôi Việt Nam, đất nước với nền nông nghiệp chủ yếu là lúa nước, điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên, bởi vậy công tác thuỷ lợi có vị trí vô cùng quan trọng. Và, thực tiễn đã minh chứng thuỷ lợi là một trong những ngành có truyền thống được xây dựng và phát triển lâu đời, có nhiều thành tựu quan trọng gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Nói tới điều này, lòng tôi cứ nao nao, nhớ tới lời dạy của Bác đối với những người làm công tác thuỷ lợi. Đương thời, Bác Hồ kính yêu đã từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Lời dạy lớn lao, đầy ý nghĩa của Bác đã thấm sâu vào trái tim, khối óc bao thế hệ những người làm thuỷ lợi.
Trải qua bao thời kỳ lịch sử, “thuỷ lợi” – hai tiếng nghe như khô khan mà thân thưong, bình dị mà vô cùng lớn lao ấy đã gắn bó máu thịt với bà con nông dân, với số phận biết bao con người mang trên mình “áo bông, quần cộc”trong cuộc chiến với hạn hán, lũ lụt để bảo vệ, phát triển sản xuất, bảo vệ đời sống nhân dân và duy trì, phát triển xã hội. Theo năm tháng gian nan, nhiều công trình thuỷ lợi đã được xây dựng ở khắp mọi miền của tổ quốc, để lại những dấu ấn về ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam, của những” người lính trên mặt trận thuỷ lợi thầm lặng” trong quá trình chinh phục thiên nhiên. Còn nhớ, năm 1945 cả nước mới có 13 hệ thống thuỷ nông lớn và vừa, đảm bảo tưới cho 324.900 ha, tiêu 77.000 ha thì đến nay cả nước đã xây dựng được hàng trăm hệ thống thuỷ nông lớn và vừa, hơn 500 hồ đập lớn và hàng ngàn công trình thuỷ lợi nhỏ, đảm bảo tưới cho gần 4 triệu ha đất nông nghiệp, tiêu cho hơn 1,5 triệu ha. Nhiều công trình thuỷ lợi lớn mang tầm quốc tế, đem lại hiệu quả cao, đã mọc lên, đã vươn lên, sừng sững trên bản đồ hình chữ S như: Hồ Dầu Tiếng, hồ Phú Ninh, Thác Bà, Kẻ Gỗ, Sông Rác, Núi Cốc, Ayun hạ, Nước Trong, Rào Đá, Sông Sào, Cửa Đạt… Đặc biệt, ở vùng đồng bằng sông Hồng - vựa lúa lớn của miền Bắc đã được “thuỷ lợi hoá”sớm và ở mức cao. Nhắc đến vùng châu thổ mỡ màu này, ngưòi dân nơi đây thường nhắc tới những cái tên: Bắc Hưng Hải, 6 trạm bơm lớn của Nam Định-Hà Nam như: Cổ Đam, Cốc Thành, Hữu Bị, Vĩnh Trị, Nhâm Tràng, Như Trác…Những cái tên nghe thật gần gũi, vời vợi đồng chiêm, gắn với nỗi khổ đau nơi “ sống ngâm da, chết ngâm xương” thuở xa xưa và “thiên đường đồng bằng” bây giờ. Những năm gần đây, tôi đã từng đi khảo sát thực tế nhiều vòng quanh “rốn nước đồng chiêm”trên quê hương cụ Nguyễn Khuyến, tuyệt chẳng còn thấy” bóng thuyền thấp thoáng vờn trên vách”nữa, mà chỉ thấy nhà tầng nhà ngói san sát mọc lên, vươn cao giữa bát ngát đồng xanh. Tôi cũng đã từng lặn lội, ngang dọc Tây Bắc, Tây Nguyên đi tìm nguồn nước, dãi nắng dầm mưa cùng đồng nghiệp trên công trường thuỷ lợi đầy nắng gió để có được giây phút thật cảm động khi bắt gặp nụ cười rạng rỡ như hoa ban của cô gái Mường Lò hay ánh mắt rực sáng như lửa rừng của già làng Buôn Đôn trong ngày vui khánh thành công trình thuỷ lợi. Sung sướng làm sao, hạnh phúc biết bao khi những người đi xây hồ, đắp đập chúng tôi nhận được cái bắt tay run run, nghe lời cảm ơn chân tình từ chính những bà con nhân dân vùng hưởng lợi! Những lúc đó, dường như tôi bỗng quên đi bao khó khăn, vất vả ngày thường, lòng thầm nhớ tới những bậc tiền bối đã có nhiều công lao đóng góp cho
ngành Thuỷ lợi như: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Hà Kế Tấn, Trần Đăng Khoa và những chiến sỹ đã hy trên mặt trận thầm lặng trong suốt chặng đường qua, trên mọi miền Tổ quốc để tô đẹp cho hai chữ “thuỷ lợi”. Những lúc đó, tôi cứ thấy lòng mình rưng rưng. Những hình ảnh của một thời đói nghèo, lam lũ thuở xưa lại hiện về trong tâm trí tôi. Làm sao có thể quên được những chân ruộng nẻ trắng có thể đút vừa cả bàn chân trong mùa khô hanh nhưng lại mênh mông nước, phải đi bằng thuyền trong mùa mưa. Làm sao có thể quên được những tháng ba ngày tám với bát cơm độn rau má, khoai lang, bưng lên miệng mà lòng xót xa. Đáng quý mà đáng thương biết bao những bà mẹ quê nghèo, trong đó có mẹ tôi, với tấm áo nâu sồng lầm lũi ra đồng sớm hôm, những mong nước về ruộng khoán! Tất cả, tất cả đã đi vào quá khứ nhưng lại hiện ra trong bức tranh đẹp của ngày hôm nay mà một phần không nhỏ là nhờ có thuỷ lợi! Vâng, hôm nay, nhờ làm tốt công tác thuỷ lợi, nhờ có nước mà bộ mặt nông thôn đã đổi thay và đang đi lên từng ngày. Nhiều vùng trũng của các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam vĩnh viễn không còn cảnh”sống ngâm da, chếtngâm xương” nữa. Nhờ đảm bảo chủ động tưới tiêu, năng suất lúa ở nhiều địa phương tăng vọt. Nếu trước đây, khi chưa có công trình thuỷ lợi, năng suất lúa bình quân ở vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạt từ 2,5 T/ha đến 3T/ha một năm thì hiện nay con số này tăng lên từ 3 đến 3,5 lần. Nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương, Nam Hà, Thái Bình, Bắc Ninh năng suất lúa còn đạt tới 60 – 65 tạ/ha/vụ. Tổng sản lượng lúa của cả nước tăng lên hàng năm với con số “chóng mặt”. Chỉ tính riêng vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long – nơi điển hình về chua phèn, ngập mặn, những năm gần đây đã đạt tới sản lượng trên 20 triệu tấn là điều “ngỡ như mơ”. Do có hiệu quả từ thuỷ lợi mang lại, chẳng những diện tích, năng suất và sản lượng lúa tăng lên đáng kể mà cơ cấu trong nông nghiệp cũng được chuyển đổi mạnh, mang lại hiệu quả lớn. Những trang trại, hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 200 triệu đến 450 triệu đồng trên 1 héc-ta/ năm đã xuất hiện ngày một nhiều ở vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long hay ở cả vùng núi phiá Bắc, Tây Nguyên...Thuỷ lợi đã thực sự trở thành một ngành kỹ thuật – kinh tế quan trọng, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế, bảo vệ và cải tạo môi trường, phát triển văn hoá xã hội…đúng như Lê Nin đã từng nói: “ Công tác thuỷ lợi là cần thiết hơn cả, chính nó sẽ tái tạo đất nước, sẽ chôn vùi quá khứ, sẽ củng cố bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Vâng, công tác thuỷ lợi là cần thiết hơn cả! Thực tế đã chứng minh điều đó. Thuỷ lợi Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài đầy gian nan thử thách nhưng đã giành được những thành tựu lớn lao, đáng được ghi nhận; nhưng cũng đang phải đối mặt với những thách thức ghê gớm trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng, đòi hỏi chúng ta, mà trước hết là những người trực tiếp làm công tác thuỷ lợi phải có nếp nghĩ mới và cách làm mới, để cho Thuỷ lợi mãi mãi thân thương, rất đỗi tự hào!