Thực trạng hiện nay các tổ chức TNCS trong khu tưới Công ty quản lý theo mô hình Hợp tác xã (HTX), công tác TNCS trở thành một dịch vụ độc lập gắn với các TCHTDN: HTX Nông nghiệp, HTX Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ, HTX dùng nước. Các địa phương chưa xây dựng được HTX thì thành lập các Ban Nông lâm - Kinh tế - Thuỷ lợi hoặc các Đội thuỷ nông chuyên khâu, Ban Kinh tế thôn v.vv... do UBND xã trực tiếp quản lý.
Đa phần các TCHTDN là HTX có tổ chức TNCS hoạt động tương đối nề nếp và ổn định. Đơn vị nào giải quyết thoả đáng thu nhập của thuỷ nông viên thì TNCS tại nơi đó vững mạnh, nước được điều tiết đảm bảo, công tác tu sửa thường xuyên làm tốt, công trình kênh mương được bảo vệ, phục vụ tốt cho việc thâm canh tăng năng suất cây trồng và sản xuất đạt hiệu quả cho dù các đơn vị này khu tưới có nguồn nước khó khăn. Ngược lại, một số TCHTDN có khu tưới rất thuận lợi trong công tác tưới nhưng do công tác xây dựng, điều hành tổ chức TNCS chưa được chú trọng hay không quan tâm củng cố thường xuyên nên hoạt động TNCS lại yếu kém, nước tưới nơi thừa, nơi thiếu thậm chí gây khô hạn cục bộ thường xuyên, kênh mương hư hỏng xuống cấp. Các TCHTDN là Ban, Đội, Thôn do kết hợp nhiều công việc chính quyền, xã hội và hoạt động mang tính tạm thời nên công tác TNCS hoạt động yếu kém không hiệu quả.
Các địa phương khu vực phía Nam gồm các huyện, thành phố: Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn do các TCHTDN luôn biến động, tan rã, không được xây dựng, củng cố nên tổ chức TNCS thiếu, yếu, thậm chí không có, đa phần hoạt động kém hiệu quả; khu vực phía Bắc gồm: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc do các cấp chính quyền quan tâm xây dựng, củng cố các TCHTDN với mô hình hoạt động là các HTX phát triển nên các tổ chức TNCS luôn duy trì hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng được công tác điều tiết dẫn nước phục vụ sản xuất hiệu quả.
Những điểm đáng mừng...
Năm 2008, khi Nghị định số 115 của Chính phủ (nay là Nghị định số 67) ra đời với chính sách miễn thuỷ lợi phí đã tạo điều kiện cho người dân giảm đáng kể một phần chi phí đầu tư trong sản xuất. Vì vậy đã được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là nông dân - những người được hưởng lợi ích trực tiếp từ chính sách thuỷ lợi phí mang lại. Do vậy, việc triển khai có nhiều thuận lợi và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Việc
Một số mô hình TCHTDN mới được thử nghiệm tại Quảng Nam: năm 2008, mô hình thử nghiệm thành lập 02 TCHTDN là HTX kênh N16 & kênh N18, Bắc Phú Ninh thuộc Hợp phần PIM trong dự án VWAPR để tưới liên xã vừa – đây là tổ chức TNCS đầu tiên thực hiện theo mô hình quản lý theo chiều dài kênh (không theo địa giới hành chính) đã hình thành nhưng hoạt động rất khó khăn vì không thu được nguồn kinh phí đóng góp từ người dân và chưa được sự ủng hộ cao chính quyền các xã liên đới. Năm 2013, mô hình hoạt động Hợp tác xã Dùng nước kênh N16 tiếp tục được củng cố một lần nữa, trên cơ sở HTX kênh N16 đã được thành lập của dự án VWRAP nhưng đã tan rã nay củng cố lại và có được nguồn thu từ kinh phí chi trả việc quản lý kênh cấp 2 (kênh N16 và các vượt cấp trên kênh N16) của Công ty nên bước đầu có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, rất khó xác định tính bền vững của mô hình này.
Qua thực tiễn, có thể khẳng định: chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng và quyết định trong việc xây dựng vững mạnh các TCHTDN nói chung và hoạt động TNCS nói riêng. Và những địa phương nào được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt thì nơi đó có tổ chức TNCS vững mạnh. Công tác TNCS vững mạnh khi có TCHTDN vững mạnh.
Và còn đó những nỗi lo...
Có nhiều vấn đề liên quan đến những tồn tại, yếu kém trong công tác củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức TNCS như: con người, thu nhập, các cơ chế, chính sách về tài chính cũng như mô hình hoạt động của TCHTDN, nhưng có thể kể đến một số nguyên nhân sau đây:
- Do công tác tuyên truyền chưa đầy đủ và thấu đáo về chính sách miễn, giảm thuỷ lợi phí nên nhiều người nông dân cứ cho rằng Nhà nước đã miễn hoàn toàn thuỷ lợi phí, do vậy không phải nộp phí nội đồng dẫn đến hệ quả là các tổ chức TNCS không còn kinh phí hoạt động. Thực chất, Nhà nước chỉ trả hộ người nông dân khoản kinh phí cấp nước từ công trình đầu mối đến cống đầu kênh, phần chi phí còn lại để trả cho công tác TNCS phải được thu từ thuỷ lợi nội đồng vẫn không có gì thay đổi. Sự tan rã của không ít TCHTDN (vì không còn kinh phí hoạt động) với nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có việc thực thi chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí cho người nông dân dẫn đến thói quen ỷ lại, trông chờ, phó thác cho Nhà nước. Trong khi Nhà nước thì không thể có người dẫn nước đến chân ruộng nếu không phải là chính là người nông dân;
- Trước đây, khi còn thu thuỷ lợi phí nhiều TCHTDN thường ký kết số liệu nghiệm thu diện tích tưới với đơn vị cấp nước không đúng với diện tích thực tưới. Còn khá nhiều diện tích được tưới, có thu nhưng không được đưa vào nghiệm thu tưới. Nguồn kinh phí chênh lệch có được từ diện tích thực tưới và diện tích nghiệm thu là một phần sức sống của các TCHTDN;
- Một số TCHTDN là các HTX Nông nghiêp và dịch vụ trước đây có tổ chức TNCS vững mạnh ngoài nhiệm vụ chính là đảm trách phân phối nước trong khu tưới quản lý còn kinh doanh hiệu quả nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp, quản lý lưới điện nông thôn. Hiện nay, do không cạnh tranh được việc cung cấp sản phẩm như các doanh nghiệp tư nhân, công tác quản lý điện nông thôn phải chuyển giao cho ngành Điện nên không còn nguồn thu dẫn đến hoạt động quèo quẹt và đang có chiều hướng tan rã;
- Thu nhập bình quân của một thủy nông viên (TNV) tại thời điểm khảo sát năm 2010 và cả hiện nay là rất thấp, phụ thuộc chính vào diện tích đảm trách. Thu nhập cao nhất là: 1,5 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất: 35.000đồng/người/tháng. Nếu theo quy định phí nội đồng của các TCHTDN như hiện nay thì khu vực đồng bằng không được thu không quá 500.000 đồng/ha/vụ và miền núi không quá 300.000 đồng/ha/vụ thì bình quân mỗi TNV quản lý 16ha với tổng kinh phí thu được là: 8 triệu đồng/vụ (04 tháng). Nếu lấy khoản kinh phí này đem trả lương cho lực lượng gián tiếp (Chủ nhiệm, P.Chủ nhiệm, kế toán HTX…); chi trả kinh phí duy tu bảo dưỡng kênh mương nội đồng thì thu nhập TNV còn lại mỗi tháng không đáng là bao. Đây là nguyên nhân chính làm cho số lượng TNV trong khu tưới Công ty sau hơn 10 năm từ năm 2002 đến nay giảm đi hơn 1.000 người và việc tìm kiếm các TNV để làm công tác TNCS ở các khu tưới đang rất nhiều khó khăn.
Thực trạng hiện nay, vai trò của các HTX nông nghiệp nói riêng, các TCHTDN nói chung chưa làm tròn nhiệm vụ là “bà đỡ” của người nông dân. Để nông nghiệp phát triển bền vững, quản lý điều tiết nước khoa học, tiết kiệm, sử dụng nguồn nước hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện diễn biến thời tiết, nguồn nước ngày càng bất lợi do tác động của biến đổi khí hậu, thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước cần phải có quyết sách, chủ trương lớn về công thuỷ nông cơ sở trong công tác kiện toàn, củng cố và xây dựng các tổ chức hợp tác dùng nước. Chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm hơn nữa và xác định vai trò, tầm quan trọng của tổ chức thuỷ nông cơ sở đối với công tác cấp nước phục vụ sản xuất, từ đó gắn liền công tác quy hoạch lại hệ thống kênh mương nội đồng kết hợp với chủ trương “Dồn điền, đổi thửa”, xây dựng “ Nông thôn mới” để xây dựng một lực lượng thuỷ nông cơ sở đủ mạnh đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hoá trong thời kỳ phát triển nông nghiệp, nông thôn mới./.