Đề xuất rút cạn nước hồ chứa để theo dõi
Tại cuộc làm việc với các chuyên gia đầu ngành trong đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vào chiều 16/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nêu thẳng vấn đề động đất liên tục với các nhà khoa học.
Ông Thu nói: “Các nhà khoa học khẳng định đây là động đất kích thích do tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 và sẽ giảm dần trong những năm tới".
Trận động đất 4,6 độ richter hôm 22/10, các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu cũng khẳng định đây là trận động đất lớn nhất tại khu vực. Trong thời gian đến, nếu có động đất xảy ra cũng không vượt qua mức 4,6 độ richter.
Nhưng trận động đất vào chiều 15/11 vừa qua đã đến 4,7 độ richter. Như vậy khẳng định của các nhà khoa học về động đất Sông Tranh được hiểu như thế nào? Người dân hoang mang lo lắng và không tin vào các kết luận khoa học là có cơ sở.
Vì vậy chúng tôi mong các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu đây có phải là động đất kích thích hay là động đất do đứt gãy kiến tạo diễn ra dưới lòng đất?.
Đồng quan điểm với ông Thu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cũng đưa ra vấn đề cần làm rõ đây là động đất kích thích hay động đất do đứt gãy của kiến tạo tự nhiên tại khu vực.
Nếu là động đất kích thích thì sẽ giảm dần sau thời gian như các nhà khoa học khẳng định. Nhưng động đất ngày càng gia tăng và với cường độ rung chấn lớn và rất phức tạp. Vì vậy cần có nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về động đất tại khu vực Sông Tranh 2.
Khi đặt vấn đề động đất này trước các nhà khoa học,ông Thu “hiến kế”: Chúng ta có thể làm phương pháp loại suy. Nghĩa là chúng ta rút cạn nước hồ chứa Sông Tranh 2 để xem động đất có xảy ra nữa hay không? Nếu rút hết nước hồ chứa mà động đất vẫn xảy ra thì rõ ràng đó không phải là động đất kích thích.
Có rút nước hồ chứa Sông Tranh 2 được không?
Trận động đất hôm ngày 15/11 làm nứt tường nhà điều hành đập Sông Tranh 2 và rơi rớt ngói nhà dân ở Trà Sơn, Bắc Trà My. |
Kỹ sư chuyên ngành thủy lợi Nguyễn Minh Tuấn, hiện là Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão Quảng Nam khẳng định việc rút hết nước tại các hồ chứa mà không cần phải phá bỏ bờ đập chính, thường có thể thực hiện được bằng cách đắp đê quai qua khu đập chính và đào một đường thoát nước.
Tuy nhiên, với hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 không thể thực hiện được bằng bất cứ biện pháp nào ngoại trừ dùng máy bơm công suất lớn để hút nước suốt ngày đêm.
Giải thích về việc không thể rút cạn nước hồ chứa Sông Tranh 2, ông Tuấn giải thích: Trong xây dựng đập chính thủy điện Sông Tranh 2 không xây dựng cửa xả đáy sâu. Chính vì vậy, không thể rút cạn nước hồ chứa khi cần thiết.
Địa hình hai bên vách núi cao, con đập chặn ngang, với độ sâu lòng hồ tính từ đáy lên đến đỉnh đập gần 200 m, nên không thể xây dựng đê quai để khai thông dòng chảy mới bên vai đập. Đây là điều không tưởng.
Hiện mực nước đập Sông Tranh 2 vẫn giữ ở mực nước chết là 140m. Việc cho tích nước hay không cho tích nước không ảnh hưởng đến công suất phát điện. Điều này minh chứng trong báo cáo của Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 về sản lượng điện đã phát hòa vào lưới quốc gia trong gần 2 năm qua.
Theo các chuyên gia thủy lợi, việc rút cạn nước hồ chứa Sông Tranh 2 là không thể ngoại trừ phá đập chính để xả nước. Còn nếu đặt các máy bơm công suất lớn để hút suốt ngày đêm khoảng hơn 270 triệu m3 cũng không thể vì lượng nước đến liên tục.
Như vậy, ý kiến đề xuất và hiến kế của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu là xả sạch nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 để theo dõi động đất là không thể thực hiện được nếu như không phá đập chính.
Tại cuộc làm việc với chính quyền địa phương Quảng Nam cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng để tiếp tục nghiên cứu về động đất Sông Tranh 2 trong thời gian đến không còn cách nào khác là phải mời các chuyên gia đầu ngành động đất của Ấn Độ, Nga, Nhật…cùng với phương tiện máy móc hiện đại mới có thể nghiên cứu chính xác được.
Ngoài việc mời các chuyên gia, ông Dũng yêu cầu các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học của Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu nhà ở và các công trình công cộng có chức năng kháng chấn cao nhưng với yêu cầu là giá thành hợp lý mới có thể giúp người dân vùng động đất yên tâm sinh sống.