Tại buổi đối thoại liên tỉnh lần thứ 6 (SLD6) về công tác quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng vào chiều ngày 15/6/2018 tại thành phố Hội An do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, TS. Tô Thúy Nga, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có diễn giải: “Việc vận hành điều phối nước liên quan đến vấn đề quản lý liên vùng, vì hai con sông Vu Gia, Thu Bồn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu nước về sông Vu Gia nhiều thì nước sông Thu Bồn sẽ ít. Vào mùa khô, khi sông Vĩnh Điện bị nước mặn xâm nhập, trạm bơm Tứ Câu không hoạt động được thì Quảng Nam đắp đập tạm ngăn mặn, nhưng cái đập này sẽ làm cho Đà Nẵng mặn thêm vì không có lượng nước đẩy về sông Hàn, lúc đó nước sông Hàn sẽ đẩy mặn xâm nhập sâu vào sông Cầu Đỏ. Vì thế, Quảng Nam đề nghị xây dựng một đập kiên cố ở sông Vĩnh Điện thì Đà Nẵng phản đối. Những mâu thuẫn đó cần giải quyết hài hòa”.
Lịch sử đã ghi lại vào năm 1824, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ cho Quảng Nam đào sông Vĩnh Điện và nhấn mạnh, đây là “việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía Nam kinh kỳ”. Khi công việc đã thành tựu, nhà vua lệnh cho khắc hình tượng sông Vĩnh Điện vào Dụ đỉnh - một trong Cửu đỉnh đặt trước sân tông miếu của nhà Nguyễn, là báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của vương triều. Ấy vậy mà đến ngày 05/6/2013, các hậu thế phải làm một việc chẳng đặng đừng là ngăn sông Vĩnh Điện để có nước ngọt cứu hơn 2000ha lúa thuộc khu tưới thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An bị thiếu nước nghiêm trọng do mặn xâm nhập sâu với đồng độ cao làm các trạm bơm: Tứ Câu, Cẩm Sa, Thanh Quýt, Vĩnh Điện không vận hành dẫn đến các trạm bơm Hà Châu, Cẩm Thanh - Hội An thiếu nước. Và từ đó đến nay, hằng năm luôn phải đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện tại Tứ Câu (thôn Ngân Câu) để ngăn nước mặn xâm nhập từ cửa Hàn (Đà Nẵng) về phía thượng nguồn – Vĩnh Điện trong mùa kiệt từ tháng 01 đến tháng 8, đâu đó lại là liên quan đến chỉ dụ của vua triều nguyễn Tự Đức. Vào tháng 4 năm Tự Đức thứ 28 (1875) mà các quan Cao Hữu Sung và Trần Văn Thiều làm tập tâu lên: “Từ khi khai sông Vĩnh Điện, nước sông chảy về phía Bắc, đường sông ngày càng nông, làm ruộng, đi buôn, đánh cá đều không lợi. Nên trước hết khai sông Ái Nghĩa và một đoạn Cẩm Lũ – Thi Lai, cho thế nước chia ra, để xói cát bồi, tiện lấp sông Vĩnh Điện và vẽ bản đồ dâng lên”.. và sau này là các quan Nguyễn Tạo, Nguyễn Thuật và Tổng lý Thương chính đại thần Phạm Phú Thứ trình vua Tự Đức mới chính thức cho phép “đào các sông ở làng Ái Nghĩa, Cẩm Lậu, Thi Lai, thuộc tỉnh Quảng Nam” vào tháng 12 năm Tự Đức thứ 29 (1876).
Vu Gia (Ô Da), Thu Bồn là hai dòng sông lớn ở Quảng Nam. Vì có sự giao thoa dòng chảy phía hạ nguồn nên có tên gọi chung là sông Vu Gia – Thu Bồn. Từ hợp lưu các chi lưu sông ở thượng nguồn để hình thành nên hai dòng Vu Gia, Thu Bồn về đến Nông Sơn, Đại Lộc sông chảy uốn lượn, ôm ấp vào nhau tại Giao Thủy (lần 1) qua sông Quảng Huế rồi tách ra và lại hòa quyện vào nhau qua sông Vĩnh Điện – hai sông đã giao thủy lần 2 từ dòng chính Thu Bồn qua vòm Cẩm Đồng và hợp lưu các sông hạ lưu Vu Gia là sông La Tho (tại Giáp Ba); sông Thanh Quýt (tại bến đò Cẩm Sa), sông Quá Giáng (tại Cổ Mân). Gần đổ ra biển qua, hai dòng Vu Gia (qua cửa Hàn), Thu Bồn (qua cửa Đại) lại nắm tay nhau để giao thủy lần thứ 3 qua sông ngang không có thượng nguồn và chẵng có hạ du là sông Cổ Cò hay Đế Võng mà thưở xưa gọi là dòng Cảnh Lộ Giang thơ mộng đã mang vác trọng trách giao thông chính một thời vàng son trong giao lưu, buôn bán hàng hóa của người Đàng Trong. Qua câu ca: “Bồng con mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bát Nhị (Vĩnh Điện) mua trầu Hội An”, ta có thể hình dung được sự giao hòa, thông thương của các dòng sông và tác dụng quan trong trong giao thông thủy vùng cuối nguồn hạ lưu Vu Gia – Thu Bồn. Tuy nhiên, vào cuối thế 19 khi tuyến đường xe lữa nối liền từ Đà Nẵng (Tourane) đến Hội An (Faifo) hình thành và đường bộ phát triển thì vai trò giao thông thủy của các sông hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn không còn đóng vai trò quan trọng nữa.
Tại Hội thảo lần 2, vào ngày 03/7/2018 tại Sở Khoa học công nghệ Quảng Nam về Đề tài: Nghiên cứu chuyển biến xâm nhập mặn (đất và nước) vùng ven biển Quảng Nam và đề xuất giải pháp ứng phó do Viện Địa lý Việt Nam chủ trì, TS Hoàng Thanh Sơn làm chủ nhiệm đã trình bày kết quả tính toán theo mô hình dùng nước của sông chính Thu Bồn để đẩy mặn cho sông Vĩnh Điện thì muốn trạm bơm Tứ Câu vận hành được trong mùa kiệt mà không bị nhiểm mặn cần phải đưa một lưu lượng về sông Vĩnh Điện lên đến lưu lượng 100 m3/giây. Qua thực tế, cứ cho rằng sông Thu Bồn có đủ nguồn nước đẻ đổ vào vòm Cẩm Đồng (thượng nguồn) thì cũng không có cách nào đưa được nước vào sông Vĩnh Điện vì sông này không có độ dốc đáy sông (sông ngang) và luôn ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều cửa Hàn và cửa Đại. Do vây, để có nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân thì không còn cách nào khác là phải ngăn đập để giữu ngọt, chống mặn.
Sau bao năm tháng, vật đổi sao dời các dòng sông vẫn chảy về biển, nhưng việc người Pháp đã xây dựng lên các đập dâng tạm gồm: An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít, Thanh Quýt – hệ thống thủy lợi An Trạch để ngăn dòng, dâng nước sông Vu Gia vào những năm đầu thế kỷ và được Nhà nước ta xây dựng vĩnh cữu vào những năm cuối thế kỷ 20 là quá trình cải tạo thiên nhiên đem lại nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân xứ Quảng (trong đó có Đà Nẵng). Có lẽ vì vai trò của giao thông thủy thưở xưa quá quan trọng và rừng thượng nguồn trước đây còn tươi tốt nên sinh thủy các sông quanh năm dồi dào nước cũng như biến đổi khí hậu khi đó chắc chưa khốc liệt như hiện nay nên việc phê chuẩn của vua Tự Đức về lấp dòng Vĩnh Điện chưa được chuẩn y. Tuy nhiên, sau gần 150 năm sau chỉ dụ thì việc ngăn dòng sông Vĩnh Điện không chỉ dừng lại ở mức độ tấu trình của các bậc tiền bối, mà việc cải tạo khơi thông các dòng sông Vu Gia (Ái Nghĩa), sông Chiên Sơn (Thi Lai – Cẩm Lậu) hoặc xây dựng vĩnh cữu các đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện, sông chính Thu Bồn hay tạo nên các âu thuyền ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo giao thông thủy qua các dòng Cổ Cò – Đế Võng (Cảnh Lộ Giang) hay Trường Giang khi đã khơi thông, thiết nghĩ đó cũng là giải pháp công trình hữu hiệu và đáng bàn với hậu thế ngày nay./.
Nguyễn Đình Hải
Công ty Thủy lợi Quảng Nam