Theo TS. Hoàng Ngọc Tuấn cho biết: Quá trình đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng đang diễn ra với tốc độ cao kéo theo nhu cầu nước cũng tăng nhanh. Nhu cầu nước tăng nhanh nhưng nguồn nước cấp cho thành phố Đà Nẵng lại bị hạn chế do Đà Nẵng nằm ở hạ lưu sông Vu Gia – Hàn. Nguồn nước sạch cấp cho thành phố chủ yếu từ 2 hệ thống sông là sông Vu Gia – Thu Bồn chảy từ Quảng Nam về ; sông Cu Đê (phía Bắc) và sông Túy Loan ở phía Nam .Trong đó sông Cu Đê và Túy Loan thuộc nội đô của thành phố còn sông Vu Gia -Thu Bồn lưu vực nằm chủ yếu nằm ở tỉnh Quảng Nam; hơn nữa trên sông này lại có rất nhiều công trình thủy điện khai thác nước trong đó phải kể đến công trình thủy điện Đắc My 4 (lấy nước ở sông Vu Gia đổ sang sông Thu Bồn) làm cho lưu lượng đổ về Đà Nẵng bị giảm rất nhiều đặc biệt là trong mùa kiệt. Như vậy có thể nói Đà Nẵng khó mà quản lý cũng như chủ động được nguồn nước từ hệ thống sông này.
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến theo chiều hướng bất lợi; dòng chảy mùa kiệt ngày càng cạn kiệt, cùng với đó là quá trình xâm nhập mặn từ hạ lưu sông Hàn vào ngày càng tăng cả về thời gian cũng như chiều sâu vào đất liền làm tăng áp lực lên việc cung cấp nước cho thành phố.
Đô thị hóa của Đà Nẵng theo xu hướng giảm nhanh sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch công nghệ sạch dẫn đến nhu cầu nước của ngành nông nghiệp giảm nhưng nước cho các ngành khác lại tăng nhanh.
Trước những thách thức đặt ra cho sự phát triển bền vững của thành phố, bài toán đặt ra là phải làm thế nào để đảm bảo cung cấp đủ nước cho các ngành, hạn chế tối đa xây dựng công trình mới, khai thác các nguồn nước mà thành phố có thể chủ động được đặc biệt là nguồn nước thừa từ các hồ chứa, đập dâng một cách khoa học trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những vấn đề này sẽ được nhóm tác giả của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cùng Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Đà Nẵng giải quyết trong khuôn khổ của đề tài “ Nghiên cứu sử dụng tổng hợp nguồn nước các hồ đập phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng”
Sau thời gian 2 năm triển khai nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, phân tích, tính toán được dòng chảy đến hồ đập, nhu cầu sử dụng nước từ các hồ đập và cân bằng nước trong các thời đoạn hiện tại, năm 2020, 2030 và 2050 trong điều kiện hiện tại và trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; từ đó làm cơ sở đề xuất nhóm các giải pháp công trình và phi công trình để khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước cụm 9 hồ chứa (Hòa Trung, Đồng Nghệ, Đồng Tréo, Hố Cau, Trước Đông, Hóc Khế, Trường Loan, Hố Cái, Tân An) và đập dâng An Trạch một cách hợp lý phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đề tài đã ứng dụng thành công mô hình Weap của Mỹ (Water Evaluation and Planning System; đây là mô hình kết hợp nhiều modul từ phục hồi dòng chảy, tính toán nhu cầu nước, dự báo nguồn nước và dự báo nhu cầu nước) để dự báo tài nguyên nước mặt, nhu cầu nước tương ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội đến năm 2050 để từ đó đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng nước hợp lý, bền vững cho Thành phố Đà Nẵng trong tương lai. Chính vì vậy các kết quả nghiên cứu của đề tài có tính khoa học và độ tin cậy cao.
Vừa qua, Đề tài đã được Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng tiến hành tổ chức nghiệm thu.
Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch hội đồng GS.TS Nguyễn Thế Hùng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu đề tài đã thực hiện được. Kết quả nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn cao; đề tài đầy đủ về số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học công nghệ; bố cục của đề tài hợp lý, logic;
Các kết quả nghiên cứu và đề xuất của đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao và đề nghị các cơ quan của thành phố đưa vào ứng dụng thực tế.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ theo các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng .
Đề tài đã được đánh giá xếp loại Khá
|