Bài báo tổng hợp kết quả nghiên cứu, phân tích các tác động của hệ thống hồ, đập trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tới chế độ dòng chảy. Nghiên cứu là cơ sở khoa học cho đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong vùng. Đây cũng là một nội dung chính trong Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định quản lý rủi ro thiên tai lũ cho lưu vực sông miền Trung” thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước (mã số KC.08.19/11-15)
I. GIỚI THIỆU
Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn là một trong 9 hệ thống sông lớn ở nước ta và là hệ thống sông lớn nhất ở khu vực Trung Trung Bộ, với diện tích 11.390 km2, hệ thống sông bao trùm hầu hết lãnh thổ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, trong đó có khoảng 500 km2 ở thượng nguồn sông Cái nằm ở tỉnh Kon Tum.
Lưu vực này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của miền Trung. Nhiều dự án phát triển đã và đang được thực hiện ở thượng lưu như xây dựng các hồ chứa (tưới, phát điện, phòng lũ, bảo vệ môi trường), xây dựng các trạm bơm, các đập dâng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tại hạ lưu, 5 đập dâng lớn đã được xây dựng với mục đích ngăn mặn và tránh thất thoát nước ra biển.
Hầu hết các dự án đang sử dụng đập ngăn sông và tận dụng thế năng cho hệ thống các hồ chứa thủy điện. Có 10 dự án trong hệ thống thủy điện bậc thang trên Vu Gia - Thu Bồn đã được Bộ Công thương phê duyệt với tổng công suất 1.274MW. Cho đến nay, đã có 6 dự án được hoàn thành phát điện, 2 dự án đang được xây dựng và 2 dự án đang trong giai đoạn thẩm định thiết kế [1,2]. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, các hồ chứa thủy điện và đập dâng cũng có nhiều bất lợi, gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái, như giảm đa dạng sinh học, gây hạn nhân tạo.
II. KHU VỰC NGHIÊN CỨU
Địa hình và mạng lưới sông
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn bắt nguồn từ sườn núi cao phía Đông của dãy Trường Sơn, với độ dài của sông ngắn, độ dốc lòng sông lớn. Vùng núi lòng sông hẹp, bờ sông dốc đứng, sông có nhiều ghềnh thác, độ uốn khúc từ 1 đến 2 lần. Phần giáp ranh giữa trung lưu và hạ lưu lòng sông tương đối rộng và nông, có nhiều cồn bãi giữa dòng, về phía hạ lưu lòng sông thường thay đổi, bờ sông thấp nên vào mùa lũ hàng năm nước tràn vào đồng ruộng, làng mạc gây ngập lụt.
Hệ thống bao gồm 2 nhánh chính là sông Vu Gia và sông Thu Bồn. Thượng lưu sông Thu Bồn bắt nguồn từ vùng núi cao trên 2000m ở sườn đông nam dãy Ngọc Linh chảy theo hướng bắc nam qua các huyện Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Quế Sơn, rồi chảy qua Giao Thuỷ vào vùng đồng bằng qua các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn, đổ ra biển tại cửa Đại.
Lưu vực sông Vu Gia nằm phía bên trái sông Thu Bồn với hệ thống sông dày gồm nhiều nhập nhánh nhập lưu ở thượng nguồn như sông Cái, Bung, Túy Loan. Hạ lưu sông cũng có nhiều chi lưu kết hợp với sự trao đổi nước giữa sông Vu Gia và Thu Bồn làm chế độ thủy lực nơi đây rất phức tạp gây xói lở, bồi lắng nghiêm trọng tại các khu vực, làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân trong vùng.
Mưa và chế độ dòng chảy
Lưu vực có sự khác biệt rõ rệt về lượng mưa mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12. Mùa mưa bắt đầu sớm hơn ở vùng núi, dãy Trường Sơn Tây so với vùng đồng bằng ven biển. Lượng mưa mùa mưa chiếm 65-80 % tổng lượng mưa cả năm, trong đó 40-50 % lượng mưa tập trung vào tháng 10 và 11. Mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8. Trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, lượng mưa chỉ chiếm 3-5 % của tổng lượng mưa năm. Trong tháng 5 và tháng 6 có một lượng mưa tương đối cao ở vùng tây bắc của lưu vực, trên lưu vực sông Bung, gây ra hiện tượng lũ tiểu mãn, cung cấp một lượng nước đáng kể bổ sung cho nhu cầu nước của lưu vực.
Chế độ dòng chảy trong lưu vực cũng biến động theo mùa, thường vào giữa tháng 9 và kéo dài cho đến đầu tháng 1. Dòng chảy trong mùa lũ chiếm khoảng 62 - 69 % của tổng lượng dòng chảy năm, với 26 - 31 % tập trung vào tháng 11.
Tháng khô hạn nhất là tháng 4 với chỉ 2 - 3 % tổng dòng chảy năm. Trong những năm khan hiếm mưa vào tháng 5 và 6 dòng chảy kiệt có thể xuất hiện vào tháng 7 hoặc tháng 8, đặc biệt là tại các tiểu lưu vực có diện tích nhỏ hơn 300 km2.
Kinh tế và đời sống
Tình hình kinh tế trên lưu vực đa dạng với nhiều ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, xuất phát điểm kinh tế thấp với cơ sở hạ tầng còn yếu, lực lượng kinh tế địa phương phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Ngành công nghiệp chưa phát triển, sản xuất hàng hóa và trao đổi còn hạn chế, thương mại, dịch vụ đang phát triển với tốc độ tăng trưởng thấp.
Điều kiện địa hình của lưu vực với 75 % diện tích đồi núi rất thuận lợi cho các dự án phát triển nguồn nước cũng như thủy điện bậc thang cỡ vừa và nhỏ. Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam [1], đến năm 2011, khu vực này có 65 hồ chứa, 250 đập dâng. Các công trình trữ nước tưới cho 30.000 ha lúa, 10.000 ha rau màu và cây hàng hóa. Dự kiến 60 hồ chứa và đập dâng sẽ được xây dựng thêm để tăng tưới ổn định từ 69 % đến 75 % vào năm 2020. Ngoài ra, theo quy hoạch công nghiệp, tỉnh Quảng Nam có thể phát triển tám thủy điện bậc thang lớn và 30 thủy điện có mô vừa và nhỏ trên các con sông khác nhau (chủ yếu ở lưu vực sông Vu Gia).
III. ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA HỆ THỐNG HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN BẬC THANG TRONG LƯU VỰC
IV. TÁC ĐỘNG CỦA CÁC HỒ, ĐẬP ĐẾN CHẾ ĐỘ DÒNG CHẢY Ở HẠ LƯU
Tác động tích cực
Tác động tiêu cực
V. KẾT LUẬN
Dòng chảy năm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tương đối lớn nhưng phân bố không đều trong không gian và thời gian. Sự hình thành hệ thống hồ chứa thủy điện bậc thang và đập dâng trên sông đã gây ra các tác động cả tích cực và tiêu cực đến chế độ dòng chảy lưu vực Vu Gia – Thu Bồn. Việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong lưu vực, đặc biệt là trong sản xuất điện cần được đánh giá, nghiên cứu và dự báo đầy đủ các tác động của hệ thống hồ chứa này đối với chế độ dòng chảy. Hơn nữa, cần lưu ý xem xét ưu tiên giữa các đối tượng sử dụng nước để giải quyết tốt hơn các xung đột và hài hòa lợi ích giữa các ngành. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế pháp lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước cũng như việc đầu tư một cách thỏa đáng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, giám sát tài nguyên nước trong lưu vực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Nam, 2012, Báo cáo hàng năm về quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
[2]. Long N.L. và Tuấn N.D., 2013. Nghiên cứu phân tích tác động của các hồ thủy điện đối với chế độ dòng chảy trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Báo cáo chuyên đề của Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia KC.08.19/11-15 “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định quản lý rủi ro thiên tai lũ cho lưu vực sông miền Trung”.
[3]. Nghị định về quản lý lưu vực sông, ban hành theo Nghị định số 120/2008/NĐ-CP, ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, 2008.
[4]. Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020. Ban hành theo Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. 2007.
[5]. Đài Khí tượng Thủy Văn Trung Trung Bộ. Số liệu quan trắc thủy văn tại trạm Nông Sơn và Thành Mỹ. 2006.
[6]. Ngân hàng Thế giới, 2013. Báo cáo tổng kết về nghiên cứu hiện tượng xói lở bờ sông ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn.
Xem chi tiết bài báo: Tác động của các công trình hồ, đập đối với dòng chảy trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
Tác giả: ThS. Dương Quốc Huy, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong
KS. Trần Đăng, KS. Nguyễn Văn Duy
Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế
TẠP CHÍ KH&CN THỦY LỢI
|