Thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật Thủy lợi. Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và PTNT – đơn vị chủ trì soạn thảo xin giới thiệu về dự thảo Dự án Luật Thủy lợi.
Sự cần thiết ban hành Luật Thủy lợi
Thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 4/4/2001 và các luật, pháp lệnh có liên quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành khá nhiều các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay sau gần 20 năm thực hiện kể từ khi Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 31/8/1994 được ban hành, Pháp lệnh đã cơ bản đi vào trong cuộc sống, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi từ đó đã có ý thức chấp hành pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; công tác kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi đã phát sinh một số bất cập sau đây:
Thứ nhất, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi chỉ quy định áp dụng đối với công trình đã xây dựng và được đưa vào khai thác. Thực tế Pháp lệnh mới chỉ điều chỉnh một nội dung, nhưng hoạt động về lĩnh vực thủy lợi có rất nhiều nội dung cần phải điều chỉnh bằng pháp luật.
Thứ hai, các Luật như: Luật Đê điều năm 2006 là luật chuyên ngành về lĩnh vực đê điều mà đê điều là công trình thủy lợi đặc thù có nhiệm vụ ngăn nước lũ, nước biển dâng, luật này chỉ quy định áp dụng đối với các tuyến sông, tuyến bờ biển có đê. Các tuyến sông, tuyến bờ biển, hải đảo chưa có đê hoặc không thể xây dựng đê thì luật này không điều chỉnh, Luật Tài nguyên nước năm 2012 có đề cập đến một số nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại do nước gây ra, nhưng không có nội dung liên quan đến lĩnh vực thủy lợi.
Thứ ba, một số hoạt động về lĩnh vực thủy lợi như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trong đó có nước sạch nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đều chưa được điều chỉnh ở các văn bản pháp luật.
Thứ tư, nguồn lực để phát triển thủy lợi hiện chủ yếu do nhà nước đầu tư, trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ là trở lực lớn, chưa có quy định về huy động nguồn lực của xã hội theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
Thứ năm, chưa có quy định thống nhất về mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Thứ sáu, chưa quy định quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động về thủy lợi.
Thứ bảy, nguyên tắc xác định giá nước đối với các đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ công trình thủy lợi; trách nhiệm tài chính của tố chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chưa được quy định trong pháp luật.
Thứ tám, một số quan điểm chỉ đạo về phát triển thủy lợi đã được ghi trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X và XI, Nghị quyết số 26 NQ/TƯ ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Nhiệm vụ phát triển thủy lợi cũng đã được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung và phát triển năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 chưa được thể hiện trong các văn bản pháp luật.
Để khắc phục được các bất cập nêu trên; đồng thời, nhằm thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng trong các Văn kiện Đại hội đại biểu đảng toàn quốc Khóa X, khóa XI về phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng để ban hành Luật Thủy lợi là thực sự cần thiết.
Dự thảo Luật Thủy lợi gồm có 8 Chương, 67 Điều được bố cục như sau:
Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8 quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ; những nguyên tắc trong hoạt động về thủy lợi; chính sách; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế về thủy lợi; các hành vi bị cấm.
Chương II. Điều tra cơ bản, Chiến lược, Quy hoạch thủy lợi, gồm 7 điều, từ Điều 9 đến Điều 15, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược và quy hoạch thủy lợi.
Chương III. Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, gồm 5 điều, từ Điều 16 đến Điều 20 quy định về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Chương IV. Quản lý khai thác công trình thủy lợi, gồm 3 Mục từ 1 đến 3 với 26 điều, từ Điều 21 đến Điều 46 , quy định tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi; quản lý vận hành công trình thủy lợi; tài chính trong quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Chương V. Bảo vệ công trình thủy lợi gồm 8 điều, từ Điều 47 đến Điều 54 quy định về phạm vi bảo vệ; trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang thoát lũ; quản lý các hoạt động liên quan đến thoát lũ, chỉnh trị sông, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi; các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có phép; thay đổi quy mô, mục đích sử dụng công trình thủy lợi; bồi thường công trình thủy lợi hiện có trên đất khi thay đổi mục đích sử dụng và xử lý công trình thủy lợi hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Chương VI quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động về thủy lợi gồm 8 điều, từ Điều 55 đến Điều 62, bao gồm quyền, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng dân cư và tổ chức trong hoạt động về thủy lợi; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai thác công trình thủy lợi và quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vị thủy lợi.
Chương VII Quản lý Nhà nước về thủy lợi, gồm 3 điều, từ Điều 63 đến Điều 65 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân các cấp; quy định về xử lý vi phạm, cụ thể:
Chương VIII Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, Điều 66 và Điều 67 quy định về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật./.
File dự thảo:
Du-thao-Luat thuy loi.doc