Theo dự báo, thời tiết nắng nóng năm nay có khả năng kéo dài nhiều ngày, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó, lưu lượng và mực nước trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) phụ thuộc vào sự vận hành phát điện của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn nên không chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do vậy, tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội địa ngày càng phổ biến ở Quảng Nam với nồng độ cao nên đã ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ cho 1.700ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Điện Bàn.
Vì vậy để đảm bảo nguồn nước ngọt không bị nhiễm mặn tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa, chính quyền và người dân huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đang nổ lực hết mình để đắp đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện trong những ngày đầu năm.
Xây đập ngăn mặn thời vụ
Sông Vĩnh Điện là một nhánh rẽ của sông Thu Bồn, xuất phát tại vòm Cẩm Đồng thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn và cuối nhánh đổ vào sông Hàn (TP. Nẵng). Sông Vĩnh Điện tạo nguồn nước cho các trạm bơm điện hoạt động cấp nước phục vụ cho khoảng 1.700ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã Điện Minh, Điện An, Thị trấn Vĩnh Điện, Điện Nam, Điện Thắng, Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) và xã Hòa Quý (Đà Nẵng).
Theo ông Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Điện Bàn: “Năm nay, ngay từ những ngày đầu tháng 1/2015, mặn đã vào sâu trong sông, có ngày độ mặn lên đến 5%o nên các trạm bơm trên sông Vĩnh Điện đều không đảm bảo nguồn nước để phục vụ tưới. Công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện được xây dựng trên sông Vĩnh Điện (thuộc xã Điện Ngọc), cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 300 mét. Đây là công trình sẽ ngăn nước mặn xâm nhập, giữ nước ngọt, tạo nguồn nước cho các trạm bơm phía thượng lưu đập hoạt động ổn định phục vụ tưới cho hơn 1.700ha đất nông nghiệp năm 2015”.
Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết thêm: “Với yêu cầu phát triển chung, ngành nông nghiệp cũng chiếm vị trí quan trọng, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Năm 2013 và năm 2014, huyện đã tiến hành đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ nước ngọt nhằm đảm bảo tạo nguồn nước tưới cho hơn 1.700ha lúa vụ Hè Thu năm 2013. Năm 2014 huyện đã tiến hành đắp đập sớm từ đầu tháng 3 nên đã kịp thời phục vụ, đảm bảo nước tưới cho lúa Đông Xuân năm 2014 thời kỳ trổ bông và chín. Công trình đã phát huy hiệu quả và đem đến nhiều thắng lợi về nông nghiệp cho vùng Đông của huyện Điện Bàn. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đập ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện năm 2015 cần phải triển khai ngay để phát huy hiệu quả, nhằm chống hạn được vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2015”.
Theo Ban quản lý công trình đập ngăn mặn thời vụ trên sông Vĩnh Điện, tuyến đập dài khoảng 95,2 mét, ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện. Thân đập được đắp bằng đất cát hút từ sông, mái đập được gia cố bằng cọc cừ bạch đàn và cọc cừ tre kết hợp trục trịch tre và vải bạt ni lon chống thấm, vải địa kỹ thuật. Mặt đập bọc vải địa kỹ thuật và đắp trên 1 lớp bao cát để chống nước chảy tràn. Ngoài ra, 2 bên bờ sông được bố trí là đập không tràn, giữa lòng sông một đoạn đập tràn có L=50.0m để tạo dòng chảy khi có mưa lớn đột ngột, nước sẽ tràn qua đoạn đập tràn trước, làm giảm độ chênh cột nước thượng hạ lưu đập, giảm xói lở đập và hạ lưu đập.
Chính quyền và người dân trong vùng ảnh hưởng mong có một con đập vĩnh cửu để cứu lấy ngành nông nghiệp.Cần một con đập ngăn mặn vĩnh cửu.
Ngăn mặn và giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện là vấn đề rất cần thiết và cấp bách. Bởi tình hình biến đổi khí hậu rất phức tạp, thời tiết nắng nóng năm nay có khả năng kéo dài nhiều ngày, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, phân bố không đều. Bên cạnh đó, lưu lượng và mực nước trên sông Thu Bồn bị phụ thuộc vào sự vận hành phát điện của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn nên không chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo nguồn nước ngọt không bị nhiễm mặn tưới cho cây trồng, nhất là cây lúa thì phương án đắp đập thời vụ là cần thiết và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, đây là một công trình thời vụ, chỉ nhằm mục đích chống hạn cho hàng ngàn ha lúa 2 vụ. Khi đến mùa lũ chính vụ thì cần phải tháo dỡ để trả lại dòng chảy của sông Vĩnh Điện. Chính vì vậy, để tránh xói lở bờ sông hạ lưu khi lũ chính vụ về, bắt buộc phải tháo dỡ công trình đập ngăn mặn thời vụ sau khi hết tưới vụ Hè Thu, gây tổn hại về công sức cũng như kinh phí đã bỏ ra để xây dựng.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Điện Bàn cho rằng: “Phương án đắp đập ngăn mặn thời vụ nó chỉ mang tính nhất thời (công trình tạm) nhằm chống nhiễm mặn, giữ ngọt tạo nguồn nước cho các trạm bơm điện hoạt động ổn định. Nên chăng công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện chỉ đảm bảo ổn định trong điều kiện bình thường (dòng chảy đến trên sông nhỏ); nếu có mưa lớn, lũ xảy ra thì đập sẽ không đảm bảo”.
Do vậy về lâu dài, ngành chức năng tỉnh nhà cần có phương án xây đập kiên cố mang tính vĩnh cửu để cứu lấy ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu rất phức tạp. “Chính quyền địa phương và người dân trong vùng ảnh hưởng ước mong có một con đập vĩnh cửu để cứu lấy ngành nông nghiệp huyện nhà” - ông Chơi nói thêm.