Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa đã đạt nhiều kết quả khích lệ. Đến nay, các hồ có dung tích lớn hơn 100 triệu m3 đã được sửa chữa, nâng cấp ở mức bảo đảm an toàn cao, các hồ chứa có dung tích hơn 10 triệu m3 và một số hồ có dung tích từ 3 triệu m3 nước trở lên bị xuống cấp cơ bản đã được sửa chữa, bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều, hồ có dung tích dưới 1 triệu m3 cần sửa chữa nâng cấp còn lại rất lớn, ước tính khoảng 1150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn. Số lượng hồ hư hỏng chủ yếu là hồ chứa nhỏ. Trong khi đó, việc nắm bắt thông tin về hồ trong mùa mưa bão còn hạn chế, việc triển khai ứng cứu khi có sự cố thường chậm.
Trước thực trạng này, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước phục vụ thuỷ điện, tưới tiêu, điều tiết phòng chống lũ… trong đó, rất nhiều hồ đập có vị trí rất quan trọng đối với an toàn ở vùng hạ lưu. Do đó, việc đảm bảo an toàn hồ đập là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện năng lực quản lý dù đã rất cố gắng, nhưng công tác này còn rời rạc, chưa có hệ thống. Việc đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đã được triển khai trên một số dự án, nhưng trên diện rộng thì còn hạn chế.
Cùng quan điểm này, bà Bà Keiko Sato, Giám đốc phụ trách hoạt động và chương trình đầu tư, Ngân hàng Thế giới, cũng đánh giá: Vấn đề về an toàn hồ đập đang rất bức xúc ở Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam có số lượng hồ đập rất lớn, nhưng trong đó nhiều hồ không được xây dựng theo tiêu chuẩn cao và chất lượng cao; việc nâng cấp, duy trì bảo dưỡng chưa được thực niện hợp lý. Thực tế, cùng với tác động của thiên tai, đã có những ảnh hưởng từ mất an toàn hồ đập đến đời sống người dân. Với tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro từ thiên tai cho con người ngày càng tăng.
Do đó, bà Keiko Sato khuyến cáo rằng, “Việt Nam cần thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo an toàn hồ đập cả từ góc độ thể chế và kỹ thuật. Trong đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan là rất quan trọng và cấp thiết”.